Cần Thơ về đích giải ngân vốn đầu tư công
Tính đến cuối năm 2023, Cần Thơ chính thức trở thành một trong những địa phương về đích trong giải ngân vốn đầu tư công, đạt tỷ lệ giải ngân 95,53% so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2023.
Theo số liệu kết quả giải ngân từ Kho bạc Nhà nước, đến hết ngày 31/12/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Cần Thơ đạt 95,53% so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương 7.522,999/7.875,185 tỷ đồng; và giao đạt 88,12% so với kế hoạch được Hội đồng nhân dân thành phố giao, tương đương 7.522,999/8.537,190 tỷ đồng.
Như vậy, nếu so với năm 2022, kết quả giải ngân năm 2023 tăng cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ giải ngân. Cụ thể, theo kế hoạch vốn được Hội đồng nhân dân thành phố giao, tổng giá trị giải ngân của thành phố đến hết ngày 31/1/2023 mới chỉ đạt 6.155,949 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 80,89% so với kế hoạch.
Đối với các đơn vị do thành phố quản lý, có 5 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân 100% so với kế hoạch bao gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Cần Thơ. Còn lại đa số là các đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 95% (16 đơn vị), 3 đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 90% và 3 đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 50%.
Cùng với đó, 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố đều có tỷ lệ giải ngân trên 90%. Cụ thể, 8 quận huyện có tỷ lệ giải ngân trên 95% bao gồm: Thới Lai (99,43%), Bình Thủy (99,39%), Thốt Nốt (99,07%), Phong Điền (98,10%), Ô Môn (98,09%), Cờ Đỏ (98,09%), Ninh Kiều (97,56%) và Cái Răng (96,89%). Chỉ có huyện Vĩnh Thạnh đạt tỷ lệ giải ngân 93,19%.
Tuy nhiên, dù đạt được những kết quả tương đối khả quan với giá trị tuyệt đối và tỷ lệ giải ngân tăng so với các năm trước nhưng nhìn từ thực tiễn giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án, công trình triển khai trên địa bàn thành phố cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều điểm nghẽn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án, công trình trọng điểm; thiếu quỹ đất phục vụ tái định cư; công tác khảo sát, điều tra và thu thập số liệu để lập chủ trương đầu tư, dự án đầu tư còn nhiều hạn chế; công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công cũng còn nhiều nhiều vướng mắc.
Trong năm 2024, nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thành phố tiếp tục xác định, thực hiện phân công nhiệm vụ và yêu cầu trách nhiệm công việc rõ ràng đối với từng cán bộ, công chức, viên chức trong việc triển khai kế hoạch thực hiện, hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đã bố trí.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ, hiệu quả quá trình tổ chức thi công; đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là những dự án sắp hết thời gian thực hiện, các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn ngân sách trung ương, các dự án trên địa bàn quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng.
Bên cạnh đó, thực hiện đánh giá đầy đủ, toàn diện năng lực của các đơn vị tư vấn có liên quan, nhất là các đơn vị tư vấn cho giai đoạn chuẩn bị đầu tư để thực hiện đề xuất dự án, lập dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu, hạn chế tới mức thấp nhất những phát sinh làm tăng tổng mức đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Ngoài ra, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của các nhà thầu tham gia xây dựng công trình theo đúng quy định, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm các quy định về thi công, hợp đồng theo quy định pháp luật để tạo tính răng đe.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, thành phố cũng xác định cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại địa phương, tăng cường tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân, kịp thời giải quyết và báo cáo về kết quả giải quyết trong công tác thu hồi đất đối với các dự án trên địa bàn theo đúng trình tự, thủ tục quy định hiện hành.
Đồng thời, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho 5 địa phương để lập thủ tục báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án khu tái định cư mới, chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư giai đoạn 2026-2030.
Theo Internet.